Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN

TRẬN THUA NGAY NGÀY KHAI SÂN

SEA Games 22 được coi là sự kiện trọng đại với thể thao Việt Nam , khi lần đầu tiên chúng ta đứng ra đăng cai một kỳ đại hội thể thao khu vực. Để chuẩn bị cho đại hội này, một sân vận động mới được xây dựng tại Hà Nội và được đặt tên theo nơi nó tọa lạc: Mỹ Đình .

Tuy nhiên ngay ở trận khai sân, những chuyện không vui đã đến. U23 Việt Nam để thua U23 Thân Hoa Thượng Hải 1-2, đồng thời có nghi án bán độ lộ ra khiến một trụ cột ở hàng thủ không những mất SEA Games mà còn bị VFF treo giò đến 5 năm.

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN - Ảnh 1.

Như Thành phải nhận án treo giò 5 năm vì nghi án nói trên và sau được giảm xuống còn 2,5 năm.

Tất nhiên vào thời điểm đó người ta chưa cho rằng sân Mỹ Đình mang vận đen, nhưng càng về sau khi bóng đá Việt Nam thất bại nhiều lần ở những trận đấu then chốt được tổ chức trên sân đấu này, những luồng ý kiến trên bắt đầu xuất hiện.

Có thể kể đến trận thua ở chung kết SEA Games 22 của U23 Việt Nam, nơi mà người Thái đã lo ngại đến mức sợ bị chủ nhà "xơi tái", cầu thủ không rời khỏi sân được nên đã thuê hẳn một chiếc chuyên cơ để có thể đưa U23 Thái Lan rời đi sau trận. Người Thái đã e ngại đến thế, nhưng rút cục đội thua cuộc lại là Việt Nam.

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN - Ảnh 2.

U23 Việt Nam tưởng như đã có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trong tay nhưng rồi vẫn không thể giành HCV.

Một năm sau, 4 vạn CĐV có mặt ở sân Mỹ Đình chết lặng khi ĐT Việt Nam bị Indonesia cho phơi áo 0-3 ngay trên sân nhà. Đội lần đầu tiên bị loại ngay sau vòng bảng Tiger Cup, còn HLV Tavares thì từ chức và thu dọn hành lý rời đi ngay trong đêm.

Đến AFF Cup 2007, thời điểm mà chúng ta kỳ vọng có thể vượt Thái với một lứa cầu thủ mới giàu sức trẻ thì cuối cùng ĐT Việt Nam lại thua khó hiểu 0-2 ở trận bán kết lượt đi trên sân Mỹ Đình. Phan Thanh Bình đá hỏng penalty còn cặp trung vệ thì tự va vào nhau tạo điều kiện cho đội bạn ghi bàn.

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN - Ảnh 3.

HLV Riedl nếm trải không ít trái đắng tại Mỹ Đình

Trên thực tế, ngoài những thất bại kể trên, bóng đá Việt Nam vẫn có được những thắng lợi ấn tượng trên sân Mỹ Đình. Có thể kể đến trận thắng đầy cảm xúc trước U23 Malaysia ở bán kết SEA Games 22, chiến tích lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 trên sân nhà, hay những trận đấu hừng hực khí thế của đội Olympic trong chiến tích tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng từng đó vẫn chưa đủ để người ta thôi nghĩ về cái gọi là vận đen của sân Mỹ Đình.

Chẳng thế mà đã từng có tin đồn về việc làm lễ "giải hạn" trước Chung kết AFF Cup 2008 tại Mỹ Đình. Hoặc việc 40 quả bóng xích ở Mỹ Đình bỗng nhiên được rời đi trước AFF Cup 2018.

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN - Ảnh 4.

40 quả cầu xích sắt sân Mỹ Đình được di chuyển đi nơi khác.

THỰC HƯ CỦA "VẬN ĐEN"

Nhìn nhận một cách công bằng, bóng đá Việt Nam đâu phải lúc nào cũng có thể tự vỗ ngực rằng mình là số 1 Đông Nam Á và nói muốn thắng là thắng.

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN - Ảnh 5.

Nỗi buồn của các tuyển thủ Việt Nam sau khi bị Malaysia loại ở bán kết AFF Cup 2014.

Trận chung kết SEA Games 22, Văn Trương bị treo giò, Hải Nam, Như Thành thì không được dự giải vì những lý do khác nhau, khiến hàng thủ U23 Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. HLV Riedl khi đó đã đề nghị trợ lý Nguyễn Thành Vinh hỏi xem Lâm Tấn và Đức Tuấn ai tự tin đá thay Văn Trương. Kết quả là Đức Tuấn nhận lệnh, nhưng đen đủi thay vì anh này trước giờ chỉ đá tiền vệ mà chưa chơi hậu vệ trái nên khi vào trận, U23 Việt Nam phải nhận bàn thua sớm xuất phát từ chính sai lầm của cầu thủ này.

Chưa kể, việc Quốc Vượng bị thẻ đỏ khiến đội bóng của HLV Riedl gặp khó và rồi sau pha ghi bàn ở phút 90 của Văn Quyến, U23 Việt Nam đã bị đối phương đánh gục bởi bàn thắng vàng của Nattaporn trong hiệp phụ. Một trận thua vì chuyên môn hoàn toàn, không thể đổ cho vận đen nào cả.

Rồi đến Tiger Cup 2004 và AFF Cup 2007, ĐT Việt Nam đều chơi dưới cơ đối thủ và chuyện bị Indonesia hay Thái Lan đánh bại ngay tại Mỹ Đình cũng chẳng phải điều khó hiểu.

“Truyền kỳ” về vận đen sân Mỹ Đình: 40 quả cầu xích, vụ hóa vàng trễ và sự ám ảnh cho ĐTVN - Ảnh 6.

Công Vinh trong trận thua 0-3 của Việt Nam trước Indonesia tại vòng bảng Tiger Cup 2004.

10 năm sau, khi chúng ta bị loại tức tưởi bởi 2 trận đấu với Malaysia (2014) và Indonesia (2016), người ta lại đem cái "vận đen" của sân Mỹ Đình ra bàn tán.

Nhưng liệu có ai nhớ đến cách nhập cuộc căng cứng, hàng thủ thi đấu tệ hại trong trận gặp Malaysia; rồi chiếc thẻ đỏ của Nguyên Mạnh, cách hàng công bỏ phí cơ hội khi tiếp Indonesia? Chúng ta không đủ sức thắng, hay là tự thua? Mỗi người lại chọn cho mình một câu trả lời khác nhau.

Bởi thế khi "vận" đã lên dưới thời HLV Park Hang-seo, chuyện ĐT Việt Nam thắng thuyết phục các đối thủ là điều ai cũng tin tưởng.

Tất nhiên, "vận đen" luôn là chủ đề khiến người ta phải tò mò vì nó khó mà giải thích nổi. Nhưng dùng nó để đổ lỗi cho thất bại của một đội tuyển, một nền bóng đá thì e rằng hơi quá.

Bài viết nằm trong loạt bài SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT . Xem thêm tại đây !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét