"Thế giới hôn nhân" vẫn đang làm tốt nhiệm vụ của một drama Hàn Quốc, nghĩa là khiến dân tình muốn... phát điên với những tình tiết mới và diễn biến khó lường. Những tưởng sau khi đường ai nấy đi với Lee Tae Oh, bà cả Sun Woo sẽ được sống yên thân với các mối quan hệ và đơn giản trong cảm xúc, nhưng biên kịch và chồng cũ của chị lại không muốn như thế.
Tập 12 khép lại với phân cảnh mây mưa của Sun Woo và Tae Oh sau một nùi những diễn biến phức tạp thật sự khiến dân tình thốt lên: Vậy chị ly hôn làm cái gì vậy, thấy rắc rối hơn lúc ông anh còn ngoại tình đó! Có khi nào Sun Woo đang thấy hối hận về quyết định ly hôn và sẽ cùng Tae Oh làm lại?
Từ chuyện phim chợt nghĩ đến chuyện đời, ly hôn xảy ra có đôi khi là do một sự việc phát sinh đột ngột, cũng có đôi khi là do phải chịu đựng quá lâu và đường ai nấy đi là lựa chọn duy nhất của hai người. Dù ai đúng ai sai, dù chia tay trong hòa bình hay không, bạn cũng cần rõ một điều, một khi đã đi đến bước đường này sẽ rất khó quay đầu lại. Bởi thế nên, nếu không muốn bản thân hối hận hay rơi vào những trạng thái cảm xúc, những tình huống bế tắc, trước khi đưa ra quyết định ly hôn, hãy tự hỏi bản thân thật kĩ những câu hỏi này:
1. Khi hôn nhân xuất hiện vấn đề, lỗi tại ai?
Nhìn từ câu chuyện của chính tôi, là một người phụ nữ, lúc đầu tôi luôn nghĩ rằng mình vô tội, mình là nạn nhân, tại sao mình tốt như vậy mà không giữ được chồng mình. Nhưng đến hiện tại, khi ngay cả chồng cũ của tôi thừa nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi thất bại 90% là do anh ấy, tôi cũng không đồng ý nữa.
Bởi vì sao ư? Trên thế giới này có rất nhiều người tốt, nhưng không phải 2 người tốt nào ở bên nhau cũng có thể hạnh phúc. Đó là chưa kể đến việc hôn nhân ở một mức độ nào đó có tính ngẫu nhiên rất cao. Vào một thời điểm thích hợp, tại một nơi thích hợp, bạn gặp được một người có thể kết hôn với bạn, thế là hai bạn kết hôn. Trong cuộc đời dài rộng này, bạn sẽ còn gặp được rất nhiều người, sẽ va phải rất nhiều tình huống, kéo theo đó là sự thay đổi của cảm xúc.
Khi bạn cảm thấy tình cảm bạn dành cho đối phương không phải là yêu nữa, hôn nhân sẽ xuất hiện vấn đề. Hoặc nếu ngay từ ban đầu, hôn nhân của hai người đã không có cơ sở vững chắc thì dù có ở bên nhau lâu cũng không hòa hợp được. Thế nên, bạn không sai, người ấy cũng không sai, tất cả là do duyên số thôi.
2. Con cái có phải lý do để trì hoãn việc ly hôn không?
Tôi luôn tin rằng con cái không bao giờ là lý do để cho hai người trưởng thành viện cớ biện minh cho mối quan hệ của mình. Tôi và chồng cũ chưa có con, nên nhiều người nói tôi may mắn đấy. Nhìn chính những người xung quanh mình, tôi nhận thấy một điều những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không trọn vẹn chưa chắc đã có vấn đề và những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ vì hy sinh cho chúng mà miễn cưỡng bên nhau cũng chưa chắc sẽ khỏe mạnh mà trưởng thành.
Nếu bạn nói: "Nếu không phải vì con thì mẹ đã ly hôn với bố lâu rồi" , con của bạn rất có thể đang nghĩ trong lòng: "Con có bắt bố mẹ không ly hôn đâu? Bố mẹ nghĩ không ly hôn nhưng cả ngày đánh cãi chửi nhau là tốt cho con à? Bố mẹ nghĩ lớn lên trong gia đình như vậy con sẽ vui vẻ được à?".
Có một người bạn từng nói với tôi một câu mà tới giờ tôi vẫn nhớ mãi: Chỉ khi bạn hạnh phúc, bạn mới có thể khiến những người xung quanh bạn hạnh phúc.
3. Có thể tiếp tục cuộc hôn nhân không trọn vẹn này không?
Nhiều người cho rằng hôn nhân giống như một cái bát, một khi vỡ rồi sẽ rất khó khôi phục nguyên trạng dù bạn có cố hàn gắn thế nào, vết nứt vẫn sẽ hiển hiện trước mắt. Đây là hiện thực.
Tôi cũng từng thử tha thứ nhưng hình như người đàn ông được tha thứ đều có trí nhớ không được tốt cho lắm, dù lúc đó họ khóc lóc van xin bạn quay lại nhưng chỉ vài ngày sau thôi họ đã quên hết. Tôi cũng từng rơi vào cảnh nghe tiếng tin nhắn vang lên từ điện thoại chồng mình là giật mình, gọi điện anh ấy không nghe máy là lại đoán già đoán non phải chăng anh ấy đang ở bên người khác. Nói trắng ra, tôi không thể thuyết phục mình tin tưởng anh ấy thêm một lần nữa, đây là ám ảnh tôi không thể vượt qua nổi, cũng là nỗi thất vọng mãi mãi đè nặng trong tim tôi.
Hôn nhân mất đi sự tín nhiệm cần có sẽ giống như một căn nhà không móng, một tí gió mưa cũng lung lay. Thế nên tôi tự ép mình phải tỉnh táo để phân tích lại, trạng thái hôn nhân hiện tại có phải thứ mà tôi Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog mong muốn không? Đáp án: Không phải. Tiếp tục cuộc hôn nhân này, tôi có thể hạnh phúc không? Đáp án: Đời này tôi không thể hạnh phúc được nữa. Nếu ly hôn thì sao? Đáp án: Có thể sẽ tìm được một người đàn ông tốt hơn, hợp với mình hơn, cũng có thể sẽ không tìm thấy, nên cơ hội là 50/50. Nói cách khác, không ly hôn, 100% đời này tôi sẽ không hạnh phúc được, còn nếu ly hôn, ít nhất tôi còn một nửa cơ hội tìm lại hạnh phúc cho bản thân. Tôi không phải người theo chủ nghĩa hoàn mỹ nhưng tôi rất trọng chuyện tình cảm, luôn cảm thấy giá trị tinh thần quan trọng hơn giá trị vật chất. Cứ thế, tôi quyết tâm ly hôn.
4. Có cần quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh không? Chẳng hạn như bố mẹ, người thân...
Đương nhiên là cần. Tôi nghĩ trừ khi nửa kia của bạn là kẻ đại gian ác, là kẻ xấu xa không thể chấp nhận nổi, còn nếu không phản ứng đầu tiên của người nhà bạn đối với chuyện bạn ly hôn sẽ là phản đối. Trước khi ly hôn, tôi từng nhắc đi nhắc lại với bố mẹ tôi về chuyện cảm xúc của tôi ra sao, nhưng từ đầu chí cuối, bố tôi vẫn khăng khăng một câu: Nếu có thể thì đừng ly hôn con ạ.
Cuối cùng, tự tôi làm mọi thủ tục ly hôn và không nói cho ai suốt 1 năm trời. Hơn 1 năm sau, tôi mới tìm cơ hội thông báo cho bố mẹ, sau đó là giải thích cho họ hàng thân thích. Sở dĩ tôi làm vậy bởi vì tôi biết quyết định của mình không phải được đưa ra trong lúc xúc động, chính vì thế, tôi cũng không muốn suy nghĩ của người khác ảnh hưởng đến tôi.
Những người từng ly hôn chắc đều hiểu cảm giác, có những lúc mình đã hạ quyết tâm vô cùng nhưng chỉ cần một câu nói từ người khác hoặc một hình ảnh hiện lên trên TV, bạn sẽ thay đổi quyết định. Cứ lặp đi lặp lại như thế, bạn sẽ dần mất hết tự tin và lý trí.
Người ta nói hôn nhân giống như một chiếc giày, đi vào chân có thoải mái hay không chỉ có mình biết mà thôi. Dù cuối cùng phụ huynh hai bên vui lòng ra sao, tụi trẻ lớn lên có tiền đồ như thế nào thì cũng không thay thế được hạnh phúc cả đời của bạn. Tôi không đồng tình với những người biết hôn nhân mình chẳng đâu vào đâu nhưng vì sợ người khác dị nghị mà cứ cố giữ. Không ai có thể cho ai hạnh phúc hết, nếu muốn, bạn phải tự mình truy cầu.
5. Có cần trả thù đối phương bằng cách đánh vào kinh tế hay quan hệ không?
Về câu hỏi này, tôi nghĩ mỗi người nên tự cân nhắc theo cảm xúc cũng như năng lực của mình. Riêng tôi thì chọn không. Trong suốt quá trình ly hôn, tôi chưa từng đến công ty anh ấy làm ầm lên, chưa từng than vãn kêu gào với bất kì người thân, bạn bè nào của anh ấy, chưa từng có ý định "cắm sừng" ngược lại để trả thù và cũng chưa từng nghĩ đến chuyện tìm Tuesday kia để ba mặt một lời. Bởi vì tôi cho rằng, những việc làm ấy suy cho cùng cũng không thể giải quyết vấn đề giữa tôi và anh ấy. Nếu anh ấy đã không muốn thay đổi thì dù tôi tìm ông trời cũng vô dụng, dù tôi kiếm hàng tá đàn ông khác để trêu tức anh ấy cũng vô dụng, tất cả chỉ khiến mối quan hệ của chúng tôi căng thẳng hơn, thậm chí còn khiến tôi cảm thấy tội lỗi.
Hơn nữa, hôn nhân của người hiện đại vốn là do chính họ làm chủ. Khi trước bạn chọn người đó, tức là người đó phải có điểm khiến bạn yêu thích. Sau khi ly hôn, ai cũng phải sống tiếp, ai cũng phải tiếp tục duy trì các mối quan hệ khác của mình. Cho người khác đường lui, không dồn ai vào đường cùng, không khiến chính mình trở nên mất lý trí, đây là nguyên tắc làm người của tôi.
Về mặt kinh tế, tôi chỉ biết tôi và anh ấy cũng kiếm được một khoản, nhưng do tôi vốn không có khái niệm về tiền bạc, nên tiền trong nhà chủ yếu do anh ấy quản lý. Lúc đầu, anh ấy cũng định mang kinh tế ra để ngăn không cho tôi ly hôn. Nhưng sau đó tôi đã thẳng thắn: Dù tôi không lấy được đồng tiền nào, tôi cũng phải ly hôn vì ban đầu tôi lấy anh ấy cũng chẳng phải vì tiền.
Khi ly hôn, anh ấy chuyển cho tôi một khoản, không nhiều, chắc chắn chưa được 1/2 tài sản chung của hai đứa, nhưng tôi không nói gì. Từ đáy lòng, tôi biết mình được giải thoát rồi. Có thể có người sẽ nghĩ tôi thoải mái, chẳng áp lực, không có con cái, ly hôn rồi cũng không sao hết. Con gái bây giờ dù tốt dù xấu, dù kiếm được nhiều hay không đều có công việc của riêng mình, tự mình nuôi mình không phải vấn đề. Có lẽ ly hôn sẽ làm tiêu chuẩn sống của bạn giảm xuống nhưng nghĩ thử đi, có ai ly hôn vì không hài lòng chuyện vật chất đâu? Thế nên tôi cảm thấy, vật chất không phải trở ngại lớn. Chỉ vì không chiếm được phần tài sản như ý mà kiên quyết không ly hôn, kết quả là làm chậm trễ chính thanh xuân cũng như cơ hội có được hạnh phúc một lần nữa của mình mà thôi.
Còn nếu trong trường hợp bạn có con nhỏ, luật pháp chắc chắn sẽ yêu cầu đối phương chu cấp tiền nuôi con hàng tháng, có thể không nhiều nhưng đối với một đứa trẻ, số tiền đó vẫn đủ để thỏa mãn những điều kiện sinh hoạt cơ bản, vì dù sao thứ mà con trẻ cần cũng chẳng phải quần áo mới, đồ chơi mới mà là một bầu không khí gia đình hòa thuận thôi.
Tất nhiên, đây là lựa chọn của cá nhân tôi. Nếu tôi chọn cách trả thù, sau này tôi chắc chắn sẽ hối hận. Quãng thời gian gần chục năm từ lúc quen biết đến yêu đương rồi sau đó là kết hôn, cuối cùng là ly hôn, tôi luôn dành hết tâm sức của mình chỉ vì không muốn phải hổ thẹn với chính quyết định mình đã lựa chọn. Đó không phải sự trung thành đối với một người đàn ông mà vì tôi không muốn thẹn với chính mình, tôi muốn cảm xúc nội tâm của bản thân được an nhiên.
6. Sau khi ly hôn có thể làm bạn được hay không?
Lựa chọn của tôi là không. Lúc ly hôn, tôi đã nói, một khi chia tay, tôi hy vọng hai bên không còn liên lạc gì nữa. Anh ấy thì ngược lại, nhiều lần tự nhủ, dù có ly hôn vẫn sẽ xem tôi như người thân, thậm chí một phần cơ thể suốt đời này, đời này chỉ cần anh ấy có ăn sẽ không bao giờ để tôi phải chịu đói. Nhưng tôi không muốn thế.
Sau khi ly hôn, vì một số vấn đề, chúng tôi phải gặp mặt 1-2 lần, nhưng tôi không muốn đối mặt với anh ấy. Nhìn thấy anh ấy, tôi cảm thấy mình như nhìn được bản thân của kiếp trước, nhìn được những nỗ lực, những ngày tháng thanh xuân, những vết thương lòng cứ lũ lượt trôi qua trước mắt.
Tôi biết cả đời này tôi cũng không quên được những điều ấy, thế nhưng tôi cũng không muốn hồi tưởng lại nên chỉ có thể để đống kỷ niệm đó phủ bụi trong một góc ký ức của bản thân. Tôi không thể coi anh ấy như một người bạn, nên tôi phải cắt đứt liên lạc hoàn toàn với anh ấy, phải trở thành người dưng với anh ấy. Nếu có cơ hội, tôi thậm chí còn muốn đến một thành phố khác, sống một cuộc đời khác, để không còn thấy những con đường quen, không còn thấy những góc đường thân thuộc, không còn cơ hội nào cho vết thương tiếp tục rỉ máu.
7. Sau khi ly hôn liệu có hy vọng tái hôn không?
Câu hỏi này thì phải xem lý do hai người ly hôn là gì. Bản thân tôi thì chưa bao giờ nghĩ đến việc kết hôn lại với anh ấy, bởi vì nguyên nhân chúng tôi chia xa là vì mối quan hệ của cả hai không có chút chung thủy tối thiểu, anh ấy cũng không phải một người đàn ông có tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, chuyện gì trong nhà cũng đổ cho phụ nữ làm hết.
Có lẽ cũng có những cô gái cho rằng đàn ông nên ở ngoài lo sự nghiệp, cứ mang tiền về nhà là được nhưng tôi thì không muốn một đấng lang quân như thế. Tôi cũng ngưỡng mộ những người đàn ông có sự nghiệp thành công nhưng nếu một người đàn ông thậm chí còn không hiểu cuộc sống vợ chồng cần điều cơ bản gì, không chịu chia sẻ, không muốn tốn thời gian vun đắp, vậy tiếp tục gắn bó có nghĩa lý gì không? Rất khó thay đổi tính cách của một người dù chính người đó cũng cảm thấy mình nên thay đổi. Tôi biết nếu như chúng tôi chọn làm lành, chỉ nửa năm sau thôi, hai đứa sẽ lại y lúc ban đầu, và tôi thì không cho phép bản thân vấp ngã 2 lần ở cùng 1 nơi như thế.
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu hai người bình thường chung sống rất vui vẻ, ly hôn chỉ vì một vài chuyện vặt vãnh trong quá trình sinh hoạt, giận lẫy hoặc vì cái tôi mà không muốn nhận sai trước, ly hôn xong sống trong hối hận thì việc quay lại là rất có khả năng. Tuy nhiên, trước khi quyết định tái hôn với người cũ, hy vọng các bạn sẽ có một cuộc nói chuyện thật nghiêm túc. Bởi lẽ hai người đã từng ở bên nhau một thời gian dài, đã hiểu rõ tính cách, thói quen của đối phương nên có thể nhân dịp này góp ý, thẳng thắn một lần.
Một cuộc hôn nhân không thể chỉ dựa vào một bên cố gắng, bao dung, tha thứ, nhường nhịn được. Nếu hai người muốn bên nhau dài lâu, vậy phải cùng nhượng bộ, cùng nỗ lực, cùng chia sẻ. Có như vậy, các bạn mới có cơ hội một lần nữa được nắm tay nhau xây dựng lại hạnh phúc gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét